
Cây cà gai leo là gì? Công dụng và cách dùng
Cùng tìm hiểu về cây cà gai leo, loại thảo dược có tác dụng hỗ trợ mạnh mẽ trong điều trị các bệnh về gan.
1. Đặc điểm của cây cà gai leo

Cây cà gai leo là loại thảo dược chữa bệnh dân gian từ xa xưa, nó còn có tên gọi khác là Cà gai dây, cà quýnh, cà vạnh, cà lù, gai cườm… Tên khoa học của Cây Cà gai leo là Solanum Hainanense Hance.
Thân cây cà gai leo có nhiều gai, mặt dưới của lá có nhiều lông trắng nhỏ, mặt trên cũng có nhiều gai. Lá mọc so le, hình bầu dục hoặc thuôn, gốc hình tròn hoặc hình nêm, đầu tù. Quả cà gai leo đỏ tươi, cánh hoa có màu trắng hoặc tím nhạt.
Cà gai leo là giống cây dại nên sức sống rất mãnh liệt, ưa sáng, chịu hạn, nhưng không chịu được úng ngập lâu ngày. Cây phát triển nhanh và có thể cho cho thu hoạch liên tục mỗi 3 tháng một lần.
2. Các nghiên cứu về Cà gai leo
Những năm đầu của Thế kỷ 20, Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Khai và Phó Giáo Sư – Tiến sĩ Phạm Kim Mãn nghiên cứu tác dụng của cà gai leo trong đề tài cấp Quốc gia và nhiều công trình nghiên cứu khác…
Trong đó có một số đề tài nghiên cứu nổi bật:
- Đề tài: “Nghiên cứu thuốc từ Cà gai leo làm thuốc chống viêm và ức chế sự phát triển của xơ gan” – Đề tài cấp nhà nước do TS. Nguyễn Thị Minh Khai làm chủ nhiệm.
- Đề tài: “Nghiên cứu lâm sàng tổn thương gan do tiếp xúc nghề nghiệp với TNT và tác dụng bảo vệ gan của Cà gai leo trên thực nghiệm” – Luận án Tiến sĩ Dược học 1997.
- Đề tài: “Nghiên cứu cây Cà gai leo làm thuốc chống viêm gan và ức chế xơ gan” – Luận án Tiến sĩ dược học 2002
- Công trình “Nghiên cứu điều trị hỗ trợ bệnh nhân viêm gan virút B mạn tính thể hoạt dộng bằng thuốc từ cà gai leo”, thực hiện 90 người bệnh tại 3 bệnh viện: 103 – 354 – 108
- Hai công trình nghiên cứu khoa học từ năm 1987 đến năm 2000 của Viện dược liệu Trung ương là “Nghiên cứu tác dụng ức chế quá trình xơ của cà gai leo trên mô hình gây xơ gan được thực nghiệm” và “Nghiên cứu công dụng trên collagenase của cà gai leo”, đã công bố cà gai leo là dược liệu có công dụng ngăn chặn xơ gan rõ rệt.
Những kết quả đạt được từ những nghiên cứu trên đã góp phần làm phổ biến cây cà gai leo, thành phần cà gai leo đã xuất hiện rất nhiều trong các sản phẩm hỗ trợ, điều trị các bệnh về gan.
3. Công dụng của cà gai leo
Một số công dụng phổ biên của cà gai leo như:
- Hỗ trợ điều trị các bệnh về gan (viêm gan B, xơ gan…)
- Hỗ trợ chống tế bào gây ung thư
- Chữa tê thấp, đau lưng, nhức mỏi
- Chữa chứng ho gà, suyễn
- Trị cảm cúm, bệnh dị ứng, ho gà, đau lưng, đau nhức xương, thấp khớp
- Làm giải rượu
- Chữa ho do viêm họng
4. Sử dụng cà gai leo như thế nào?

Hiện nay, có một số cách sử dụng cà gai leo phổ biến:
- Cây cà gai leo: Sơ chế, rửa sạch rồi đun nước để uống
- Trà túi lọc cà gai leo: Sản xuất thành trà túi lọc, pha với nước nóng để uống
- Cao cà gai leo: Chiết xuất thành cao, pha với nước nóng để uống
Ngoài ra, còn có nhiều phương pháp để sử dụng cà gai leo khác nhau, kết hợp với các loại thảo dược khác như xạ đen, mật nhân, cây mâm xôi, cỏ ngọt…
> Liên hệ ngay số điện thoại 0394.180090 để đặt mua sản phẩm từ cây cà gai leo
5. Khi dùng cà gai leo cần chú ý điều gì?
Tác dụng của cà gai leo là không thể phủ nhận, nhưng cần sử dụng hợp lý để mang lại hiệu quả tốt nhất.
Những người không nên uống cà gai leo:
- Phụ nữ mang thai
- Trẻ dưới 5 tuổi
- Người mắc bệnh về thận
- Người bị huyết áp thấp
- Người đang điều trị theo phác đồ của bác sĩ
Ngoài ra cần lưu ý thêm:
- Không sử dụng khi cà gai leo có dấu hiệu mốc
- Nên sử dụng đều đặn với hàm lượng vừa phải để mang lại hiệu quả tốt nhất
6. Kỹ thuật trồng trọt và thu hái cây cà gai leo
6.1. Lựa chọn vùng trồng và thời vụ trồng

Khi lựa chọn vùng đất để trồng cà gai leo, cần chú ý đến những yếu tố sau đây:
- Chọn vùng đất cao, có khả năng thoát nước tốt và tầng đất sâu dày. Đất cát pha cũng là một lựa chọn tốt.
- Vùng trồng cần thuận lợi cho việc tưới tiêu và thoát nước, tránh chọn vùng đất trũng dễ bị ngập nước và có khả năng thoát nước kém.
- Đất càng giàu mùn, tơi xốp thì càng tốt cho cây cà gai leo. Độ pH của đất nên từ 5,0 đến 6,5.
- Cây cà gai leo có thể trồng trên đất bãi ven sông, đất nương và trong vườn nhà.
Ngoài ra còn cần đảm đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn GACP-WHO như:
- Không trồng ở vùng đất ô nhiễm hoặc có nguy cơ bị ô nhiễm
- Cần kiểm nghiệm mẫu đất để đánh giá các chỉ tiêu độc hại tồn dư. Đảm bảo dưới giới hạn một số kim loại nặng trong đất trồng theo Quy chuẩn QCVN 03-MT:2015/BTNMT
- Không sử dụng nguồn nước tưới bị ô nhiễm
- Cần kiểm nghiệm nguồn nước tưới để đánh giá các chỉ tiêu độc hại tồn dư. Đảm bảo dưới giới hạn một số kim loại nặng trong nước tưới tiêu theo Quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng nước tưới tiêu QCVN 39: 2011/BTNMT
Một năm có thể trồng 2 thời điểm trồng cà gai leo cho hiệu quả cao nhất:
- Tháng 3-4 dương lịch.
- Tháng 8-9 dương lịch.
6.2. Sản xuất giống cây cà gai leo
Vào thời điểm tháng 8-9 năm, chọn quả cà gai leo chín của cây 2 năm tuổi để làm giống tiến hành dầm tách lấy hạt, phơi khô (bảo quản được tối đa 6 tháng).

Có thể gieo, nhân giống cây cà gai leo bằng 2 cách là gieo vào vườn ươm hoặc gieo bầu. Cách nào cũng có ưu nhược điểm riêng, nhưng khuyến nghị nên gieo bầu để cây phát triển tốt, khỏe rễ và dễ dàng đem đi trồng. Tưới ẩm thường xuyên.
- Sau 3-5 ngày là hạt cà gai leo có thể nảy mầm.
- Sau 15 ngày cây có thể cao hơn 3cm thì có thể nhỏ cỏ, tỉa cây yếu.
- Sau 60 ngày, cây cao từ 10-15cm, khỏe mạnh, không sâu bệnh là có thể đem đi trồng.
6.3. Làm đất trồng

Để chuẩn bị đất trồng cà gai leo, có những bước sau:
- Đất cần được cày sâu và phơi ải để tiêu diệt mầm mống sâu và bệnh hại có trong đất. Sau đó, bừa kỹ đất và nhặt sạch cỏ dại. Việc rắc vôi bột lên đất sẽ cải thiện pH và tiêu diệt nấm bệnh.
- Lên luống: Tùy thuộc vào từng loại ruộng, có thể lên luống hoặc không. Đối với những ruộng đất thấp khó thoát nước, việc lên luống là cần thiết. Lên luống theo hướng Đông Tây sẽ tận dụng tối đa ánh sáng mặt trời. Chiều rộng của một mặt luống nên là 60cm, cao khoảng 20-25cm và khoảng cách giữa hai luống là 30cm. Mỗi luống trồng hai hàng
6.4. Kỹ thuật trồng cây cà gai leo

Sau khi chuẩn bị đất, các bước trồng cà gai leo có thể thực hiện như sau:
- Lên luống cuốc đất thành từng hốc sau khi đất đã được làm. Sau đó, bỏ phân hữu cơ, phân chuồng vào mỗi hốc và phủ một lớp đất để lấp kín phân.
- Đặt cây cà gai leo vào bên cạnh mỗi hốc (không trồng trực tiếp lên phân). Sau đó, lấp kín đất quanh gốc cây và ấn chặt.
- Khoảng cách giữa các hốc là 30x30cm (thưa hơn nếu đất cằn cỗi hơn)
- Sau khi trồng xong, tiến hành tưới ẩm để rễ cây có thể tiếp xúc nhanh với đất mới. Trong trường hợp nắng nóng, có thể phủ thêm lớp rơm rạ đã ủ qua để tránh mất nước nhanh. Hoặc có thể sử dụng màng nilon đen chuyên dùng trong nông nghiệp để phủ lên đất.
6.5. Kỹ thuật chăm sóc
Sau khi trồng cây cà gai leo xuống, trong khoảng 5 ngày đầu phải duy trì tưới nước ngày 2 lần. Sau đó tùy theo thời tiết, độ ẩm quanh gốc cây mà điều chỉnh tưới tiêu phù hợp.

Sau 15 ngày có thể tiến hành nhổ cỏ, xáo váng, kết hợp bón thêm phân hữu cơ. Tiếp đó theo dõi và định kỳ kiểm tra mức phát triển cỏ dại để tiến hành nhổ cỏ để tạo điều kiện thuận lợi cho cây cà gai leo phát triển.

Trong quá trình cây phát triển, có thể phát sinh sâu bệnh hại, vì vậy cần tiến hành theo dõi chặt chẽ và sử dụng các chế phẩm sinh học an toàn để xử lý sâu bệnh.
Ngoài ra, chú ý thoát nước khi trời mưa để cây không bị ngập úng.
6.6. Kỹ thuật thu hoạch, sơ chế và bảo quản
Kỹ thuật thu hoạch Cà gai leo có vai trò quan trọng đối với chất lượng nguyên liệu chế biến ra trà cà gai leo và cao cà gai leo.

Tiêu chuẩn nguyên liệu cà gai leo đạt chuẩn:
- Thu hoạch lần đầu sau 6 tháng. Sau đó mỗi 3 tháng có thể thu hoạch một lần
- Cành, thân, lá cà gai leo không bị nhiễm bệnh.
- Tỷ lệ lá đạt từ 30-40%.
- Tỷ lệ tạp chất không quá 1%.
- Cành, thân và lá không dính đất cát, không bị dập nát, không bị thối hỏng.
Một tuần trước khi thu hoạch không được tưới đẫm nước, chỉ thu hoạch khi thời tiết khô ráo.
Do cà gai leo có rất nhiều gai, nên quá trình thu hái cần thật cẩn thận. Cà gai leo sau khi thu hoạch cần được rửa sạch, cắt ngắn thành từng đoạn 3-4 cm và được phơi, sấy khô.

Sau đó tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng mà có thể làm trà cà gai leo, hoặc chiết xuất thành cao cà gai leo để tiện sử dụng và bảo quản.
Lời kết
Cây cà gai leo là loại thảo dược dân gian có tác dụng rất tốt trong việc hỗ trợ điều trị các bệnh về gan. Tuy nhiên, thể trạng, cơ địa mỗi người khác nhau nên có thể có tác dụng khác nhau và cách sử dụng cũng khác nhau.
Bạn nên tham vấn ý kiến bác sĩ và tìm hiểu kỹ về nguồn gốc các sản phẩm từ cây cà gai leo trước khi sử dụng.